Tâm lý giao dịch và quản lý cảm xúc trong trading

Tâm lý giao dịch & Cách quản lý cảm xúc trong Trading

by

in
4.9
(9)

Anh em có bao giờ tự hỏi, tại sao mình soi chart rõ là đẹp, phân tích đủ các kiểu con đà điểu, vào lệnh rõ là tự tin, thế mà cuối cùng vẫn “cháy” tài khoản không? Hay có những lúc, rõ ràng biết là phải cắt lỗ rồi đấy, nhưng tay nó cứ “liệt”, mắt cứ nhìn cái lệnh âm mà tim thì đập thình thịch, mồ hôi mẹ mồ hôi con túa ra như tắm? Rồi đến khi tài khoản đi về nơi xa lắm thì lại ngồi đấy mà “giá như…”

Đấy, tất cả là do chúng ta đang bị cảm xúc chi phối! Sợ hãi, tham lam, cay cú, hy vọng hão huyền… nó như một lũ “tiểu yêu” xúi bẩy, làm cho những quyết định sáng suốt của anh em đi tong. Nhao tôi cũng không ngoại lệ đâu, ngày xưa mới vào nghề (tầm 2015 gì đó), cũng vì mấy con “quái vật” này mà “cúng tiền” cho thị trường không biết bao nhiêu lần. Có những cú trade mà nghĩ lại vẫn thấy mình ngu không chịu được, rõ ràng phân tích đúng hướng, nhưng chỉ vì một phút bốc đồng, một chút tham lam hay sợ hãi vớ vẩn mà banh xác. Đau!

 Bài viết này, Nhao tôi sẽ cùng anh em tìm hiểu về những loại cảm xúc gặp phải khi trading, những kinh nghiệm thực chiến mà Nhao tôi đã tích lũy được (sau rất nhiều lần vấp ngã) để anh em mình cùng nhau né được, hoặc ít nhất là toang ít hơn. Chiến thôi!

I. Tâm lý giao dịch là gì? Tại sao tâm lý giao dịch quan trọng?

Nhiều anh em, nhất là người mới, cứ nghĩ trading là phải học cho thật nhiều chỉ báo, indicator thần thánh, hay mấy cái mô hình nến “bất bại”. Sai! À không, không hẳn là sai, nhưng nó CHƯA ĐỦ. Nhao tôi nói thật, mấy cái đó nó chỉ chiếm khoảng 20-30% sự thành công của anh em thôi. Phần còn lại, cái phần quyết định anh em có “sống sót” và “kiếm cơm” được với cái nghề này hay không, nó nằm ở TÂM LÝ GIAO DỊCH.

Tâm lý trong giao dịch Forex là gì?
Tâm lý trong giao dịch Forex là gì?

Tâm lý giao dịch là gì?

Nói một cách đơn giản, tâm lý giao dịch là trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn khi đối mặt với những quyết định tài chính đầy rủi ro trên thị trường. Nó giống như “trận chiến nội tâm” diễn ra trong đầu bạn mỗi khi bạn bấm nút mua hoặc bán. Bạn đã bao giờ cảm thấy tim đập thình thịch khi thị trường đảo chiều, hay tay run vì sợ bỏ lỡ một cơ hội lớn? Đó chính là tâm lý giao dịch đang lên tiếng!

Não bộ con người vs. Thị trường!

Anh em mình phải hiểu cái này: bộ não của con người chúng ta, về cơ bản, nó được “lập trình” từ thời nguyên thủy để phản ứng với những mối nguy hiểm tức thời theo kiểu “chiến hay biến” (fight or flight). Ví dụ, thấy con hổ thì một là vác giáo xiên nó, hai là co giò chạy cho nhanh. Não mình nó quen với những thứ rõ ràng, cụ thể.

Trong khi đó, cái thị trường tài chính này nó lại là một mớ hỗn độn của sự bất định, của những xác suất, của những con số nhảy múa liên tục mà không ai có thể đoán chắc 100% nó sẽ đi về đâu. Nó không có con hổ nào cụ thể để anh em mình “chiến” hay “biến” cả. Chính cái sự “mơ hồ” này nó làm cho bộ não nguyên thủy của chúng ta bị “xoắn”, bị “lag”.

Thêm nữa, thị trường nó không chỉ là những con số, nó là một “đấu trường” tâm lý khổng lồ, nơi hội tụ cảm xúc của hàng triệu trader trên toàn thế giới: từ hy vọng làm giàu nhanh chóng, nỗi sợ hãi mất tiền, lòng tham vô đáy, cho đến sự hưng phấn tột độ hay tuyệt vọng cùng cực. Tất cả những cảm xúc đó nó cộng hưởng lại, tạo ra những biến động giá mà đôi khi chả theo một quy luật logic nào cả.

Những tác động tiêu cực của cảm xúc

Bạn có thể có chiến lược đỉnh cao, phân tích kỹ thuật chuẩn chỉnh, nhưng nếu tâm lý yếu, mọi thứ có thể sụp đổ như nhà xây trên cát. Theo Investopedia, hơn 80% trader thất bại không phải vì thiếu kiến thức, mà vì không kiểm soát được cảm xúc (Investopedia: The Psychology of Trading). Nghe đáng sợ, đúng không? Nhưng đó là sự thật.

  • Bóp méo nhận thức về rủi ro và cơ hội:
    • Khi tham lam: Anh em sẽ chỉ nhìn thấy cơ hội “ăn đậm”, thấy giá đang tăng là auto nghĩ nó sẽ tăng nữa, bỏ qua hết những tín hiệu rủi ro, những dấu hiệu đảo chiều. Lúc này, rủi ro trong mắt anh em nó “bé như con kiến”.
    • Khi sợ hãi: Ngược lại, anh em sẽ chỉ chăm chăm vào khả năng thua lỗ. Giá mới nhích xuống một tí đã “tim đập chân run”, vội vàng cắt lỗ dù có khi đó chỉ là một cú “fake out” của thị trường. Cơ hội ngon ăn đến mấy cũng không dám vào vì “sợ”.
  • Dẫn đến việc phá vỡ kế hoạch giao dịch (trading plan):
    • Anh em có thể bỏ cả tuần ra để phân tích, lên một cái trading plan chi tiết, điểm vào ở đâu, cắt lỗ chỗ nào, chốt lời ra sao, rõ như ban ngày. Nhưng đến khi vào lệnh thật, giá nó chạy ngược một chút, tâm lý sợ hãi nó thò ra, thế là vội vàng dời stop loss xa hơn, hoặc tệ hơn là bỏ luôn stop loss. Hoặc khi lệnh đang có lãi, tâm lý tham lam nó lại xúi “gồng thêm tí nữa đi, giàu to đấy!”, thế là bỏ qua điểm chốt lời đã định, cuối cùng giá quay đầu, lãi thành lỗ. Quen không anh em? Nhao ngày xưa bị suốt!
  • Gây ra các hành động bốc đồng, thiếu phân tích:
    • Nghe thằng bạn “phím” con hàng này sắp bay, thế là không cần phân tích gì sất, nhắm mắt mà múc.
    • Thua một lệnh cay cú, muốn “trả thù” thị trường ngay lập tức, vào lệnh liên tiếp với khối lượng lớn hơn, bất chấp hệ thống, bất chấp quản lý vốn.
    • Thấy thị trường “xanh mướt”, sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), vội vàng nhảy vào đu đỉnh mà không cần biết đó có phải là điểm vào tốt hay không.

Nói tóm lại, khi cảm xúc nó đã “chiếm quyền kiểm soát“, thì mọi phân tích kỹ thuật, mọi kế hoạch giao dịch của anh em nó chỉ còn là giấy lộn. Anh em sẽ không còn là một trader lý trí nữa, mà trở thành một “con bạc khát nước“. Và kết quả thì… chắc anh em cũng đoán được rồi đấy.

II. Các loại cảm xúc phổ biến và cách nhận diện

Các loại cảm xúc phổ biến thường gặp trong trading
Các loại cảm xúc phổ biến thường gặp trong trading

Trong cái rừng rậm trading, có vô vàn loại cảm xúc có thể “vồ” lấy anh em bất cứ lúc nào. Nhưng Nhao điểm qua những loại cảm xúc phổ biến nhất mà 99% trader đều ít nhất một lần nếm mùi:

1. Tâm lý sợ hãi (Fear)

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • Sợ vào lệnh: Nhìn chart thấy tín hiệu đẹp đấy, phân tích các kiểu cũng ngon rồi đấy, nhưng đến lúc đặt lệnh thì tay run run, tim đập nhanh, đầu óc cứ lởn vởn “lỡ nó không chạy đúng thì sao?”, “lỡ thua thì mất tiền à?”. Thế là chần chừ, do dự, rồi cơ hội nó bay vèo qua mất.
      • Sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO – Fear Of Missing Out): Cái này thì ngược lại. Thấy giá đang tăng vù vù như tên lửa, hoặc nghe thiên hạ đồn thổi con hàng A, con coin B sắp “x10 tài khoản”, là lòng lại như lửa đốt. Sợ mình không “lên thuyền” kịp thì người khác ăn hết phần. Thế là nhắm mắt nhắm mũi nhảy vào đu đỉnh, bất chấp giá đã cao ngất ngưởng.
      • Sợ thua lỗ: Cái này thì gần như là nỗi sợ “bản năng”. Ai chả sợ mất tiền. Nhưng khi nỗi sợ này nó quá lớn, nó sẽ làm anh em không dám chấp nhận rủi ro cần thiết, hoặc tệ hơn là không dám cắt lỗ khi lệnh đã đi sai.
      • Sợ thị trường sập/tăng sốc (Panic Selling/Buying): Thị trường mới biến động mạnh một chút, tin xấu tin tốt gì đó bay loạn xạ là y như rằng “tâm bất ổn”, bán tháo bằng mọi giá hoặc mua vào điên cuồng mà không kịp suy nghĩ.
      • Chốt lời non (Taking Profit Too Early): Lệnh mới có lãi được tí xíu, bằng cốc trà đá, là đã “tim đập chân run”, sợ giá nó quay đầu mất lãi. Thế là vội vàng chốt, xong rồi ngồi nhìn giá nó chạy thêm cả một đoạn dài mà tiếc hùi hụi.
    • Hậu quả nó gây ra: Bỏ lỡ cơ hội vàng, mua đỉnh bán đáy, không dám cắt lỗ khiến lỗ nhỏ thành lỗ to, không gồng được lãi lớn. Nói chung là “toang” đủ đường.

“Thằng Sợ Hãi này nó như con ma nhát ấy. Mình càng yếu bóng vía, nó càng lấn tới. Có ông ngồi canh chart cả ngày, thấy 10 cơ hội thì hết 9 lần sợ không dám vào, đến lần thứ 10 ‘nhắm mắt đưa chân’ thì y như rằng dính ngay cú lừa của thị trường. Đen thôi, đỏ quên đi!”

2. Tâm lý tham lam (Greed) – Lòng tham vô đáy

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • Vào lệnh quá lớn (Over-leveraging/Over-sizing): Muốn ăn dày, muốn “đổi đời sau một đêm”, thế là bất chấp rủi ro, nhồi một lệnh với khối lượng khổng lồ so với tài khoản.
      • Gồng lãi bất chấp (Letting Winners Run… Too Far): Lệnh đang lãi đậm, thay vì chốt lời theo kế hoạch, lại cứ hy vọng nó lãi thêm nữa, thêm nữa. Bỏ qua hết các tín hiệu đảo chiều, các mức kháng cự/hỗ trợ mạnh.
      • Không chốt lời theo kế hoạch: Kế hoạch là lãi 5R thì chốt, nhưng đến lúc đạt 5R rồi lại nghĩ “biết đâu nó lên 10R thì sao?”. Thế là cứ ôm, đến lúc thị trường nó quay xe thì có khi từ lãi to thành lỗ ngược.
      • Muốn giàu nhanh: Nạp tiền vào với suy nghĩ “đây là sòng bạc, phải làm một ván lớn”.
      • Nhảy từ hệ thống này sang hệ thống khác: Thấy ai khoe lãi là y như rằng muốn học theo, bỏ bê hệ thống cũ của mình dù nó vẫn đang ổn.
    • Hậu quả nó gây ra: Cháy tài khoản trong một nốt nhạc là chuyện thường. Mất hết những gì đã vất vả kiếm được. “Tham thì thâm” – câu này ông bà mình nói cấm có sai.

Tham Lam nó như cô gái đẹp nhưng đầy cạm bẫy vậy. Nó hứa hẹn đủ thứ ngọt ngào, nhưng một khi anh em đã ‘sa chân’ vào rồi thì khó mà rút ra được. Có ông thắng 9 lệnh nhỏ, đến lệnh thứ 10 tham lam nhồi to, thế là một phát đi luôn cả vốn lẫn lời của 9 lệnh kia. Đừng làm 1 con bạc!”

3. Tâm lý hy vọng (Hope) – Khi niềm tin đặt sai chỗ

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • Gồng lỗ với hy vọng thị trường sẽ quay đầu: Đây là biểu hiện phổ biến nhất. Lệnh đã âm nặng, rõ ràng là sai rồi, nhưng không chịu cắt lỗ mà cứ “cầu nguyện”, “hy vọng” giá nó sẽ bật tăng/giảm trở lại theo ý mình.
      • Vào lệnh dựa trên “linh cảm” hoặc “niềm tin” mù quáng: Không có phân tích, không có cơ sở, chỉ vì “cảm thấy” nó sẽ lên, hoặc “tin” vào một lời “phím hàng” nào đó.
      • Trung bình giá xuống (Averaging Down) một cách vô tội vạ: Khi một cổ phiếu/cặp tiền đang giảm giá, thay vì cắt lỗ, lại tiếp tục mua vào với hy vọng “bắt đáy” và khi giá lên sẽ huề vốn hoặc lãi nhanh hơn.
    • Hậu quả nó gây ra: Biến một khoản lỗ nhỏ có thể kiểm soát được thành một khoản lỗ khổng lồ, thậm chí là cháy tài khoản. Mất thời gian, mất cơ hội vào những lệnh khác tốt hơn.

Hy Vọng trong trading nó nguy hiểm như yêu đơn phương một đứa không yêu mình ấy anh em. Càng hy vọng, càng đau khổ. Thị trường nó không có ‘trái tim’ để mà ‘cảm động’ trước niềm hy vọng của anh em đâu. Sai là phải cắt, đừng có ngồi đấy mà cầu Trời khấn Phật!”

4. Tâm lý hối tiếc & Cay cú trả thù thị trường

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • Hối tiếc: “Biết thế vào lệnh sớm hơn!”, “Biết thế giữ lệnh lâu hơn!”, “Biết thế không cắt lỗ non thế!”. Cảm giác tiếc nuối sau một quyết định (dù đúng hay sai) có thể ám ảnh và ảnh hưởng đến các quyết định sau này.
      • Cay cú trả thù: Sau một hoặc vài lệnh thua, cảm thấy tức tối, muốn “đòi lại những gì đã mất” từ thị trường ngay lập tức. Thế là vào lệnh liên tục, tăng khối lượng, bất chấp kế hoạch, bất chấp rủi ro, chỉ với mục đích “gỡ gạc”.
    • Hậu quả nó gây ra: Chuỗi thua lỗ ngày càng kéo dài. Tài khoản “bốc hơi” với tốc độ chóng mặt. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trader “sạch túi”.

Cái món cay cú trả thù này nó như kiểu anh em vừa bị thằng khác đấm cho một phát, xong không giữ được bình tĩnh mà lao vào ăn thua đủ với nó. Kết quả là bị nó đấm cho ‘không trượt phát nào’ nữa. Thị trường nó là ‘võ sĩ hạng nặng’, anh em đừng có dại mà ‘solo’ với nó khi đang cay cú.

5. Quá tự tin hoặc Thiếu tự tin

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • Quá tự tin: Sau một chuỗi lệnh thắng liên tiếp, anh em bắt đầu cảm thấy mình là “thiên tài trading”, là “bất khả chiến bại”. Bắt đầu bỏ qua các quy tắc quản lý rủi ro, vào lệnh lớn hơn, không thèm phân tích kỹ càng nữa.
      • Thiếu tự tin: Ngược lại, sau một chuỗi lệnh thua, anh em lại đâm ra nghi ngờ bản thân, nghi ngờ hệ thống giao dịch của mình. Không dám vào lệnh dù tín hiệu có rõ ràng đến mấy. Sợ sai, sợ lại thua.
    • Hậu quả nó gây ra: Quá tự tin thì dễ “chết vì chủ quan”. Thiếu tự tin thì bỏ lỡ cơ hội tốt, không phát huy được hết khả năng của hệ thống.

Tự tin là tốt, nhưng tự tin thái quá thì thành ‘tự sát’. Còn thiếu tự tin thì như kiểu có ‘súng ngon’ mà không dám bắn ấy. Phải giữ được sự cân bằng, biết mình biết ta.

6. Tâm lý FOMO & FUD 

    • Hình hài & Biểu hiện:
      • FOMO: Đã nói ở phần Sợ Hãi, nhưng giờ nó còn được “tiếp tay” bởi mạng xã hội, các hội nhóm “lùa gà”. Thấy người ta khoe lãi, khoe “kèo thơm” là y như rằng ruột gan cồn cào.
      • FUD: Nghe tin đồn thất thiệt, tin tức tiêu cực (chưa kiểm chứng) về một đồng coin, một cổ phiếu là hoảng sợ bán tháo bằng mọi giá, bất chấp phân tích cơ bản hay kỹ thuật.
    • Hậu quả nó gây ra: Mua đỉnh, bán đáy. Quyết định dựa trên tin đồn chứ không phải sự thật. Dễ bị “cá mập” dắt mũi.

Thời đại này thông tin nó nhiễu như sóng não của mấy ông say rượu ấy. Anh em không có ‘bộ lọc’ tốt là dễ bị FOMO với FUD nó ‘dắt đi chơi xa’ lắm. Cứ bình tĩnh, kiểm chứng thông tin trước khi hành động.

7. Tâm lý đám đông

    • Hình hài & Biểu hiện: Không có chính kiến riêng, thấy đám đông mua thì mình cũng mua, thấy đám đông bán thì mình cũng bán. Sợ đi ngược lại số đông, sợ bị “khác biệt”.
    • Hậu quả nó gây ra: Thường là người “đến sau”, mua giá cao và bán giá thấp. Không có lợi thế cạnh tranh.

Đi theo đám đông thì an toàn, nhưng khó mà giàu được anh em ạ. Trong trading, nhiều khi phải ‘đi ngược để tồn tại’ đấy. Nhưng ngược như thế nào thì lại là cả một nghệ thuật.

III. Cách kiểm soát tâm lý hiệu quả khi trading

Cách kiểm soát tâm lý hiệu quả khi trading
Cách kiểm soát tâm lý hiệu quả khi trading

Chúng ta đã nhận diện được những yếu tố cảm xúc thường gây ảnh hưởng tiêu cực rồi. Giờ là lúc trang bị những “công cụ” và phương pháp để quản lý chúng một cách hiệu quả. Đây là những kinh nghiệm thực tế mà Nhao tôi đã áp dụng và thấy hữu ích, hy vọng sẽ giúp ích cho anh em.

1. Xây dựng nền tẳng vững chắc là chìa khoá phòng ngừa bất ổn cảm xúc

Trước khi nghĩ đến việc kiểm soát cảm xúc trong từng giao dịch cụ thể, việc quan trọng là phải có một nền tảng giao dịch vững chắc. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể các tình huống dễ phát sinh cảm xúc tiêu cực.

    • Có một Kế Hoạch Giao Dịch (Trading Plan) Chi Tiết và Rõ Ràng:

      • Nội dung cốt lõi: Kế hoạch này là kim chỉ nam cho mọi hành động của bạn. Nó phải bao gồm:
        • Điều kiện vào lệnh: Dựa trên những tín hiệu phân tích kỹ thuật nào (ví dụ: mô hình giá, chỉ báo, sự phá vỡ kháng cự/hỗ trợ, tín hiệu từ hành động giá)?
        • Điểm dừng lỗ (Stop Loss): Xác định trước mức giá mà nếu thị trường chạm đến, bạn sẽ chấp nhận thoát lệnh để giới hạn thua lỗ. Mức này cần cố định và không được thay đổi theo hướng bất lợi.
        • Điểm chốt lời (Take Profit): Xác định mục tiêu lợi nhuận hoặc tỷ lệ Lợi nhuận/Rủi ro (R:R) mong muốn cho mỗi giao dịch.
        • Nguyên tắc quản lý vốn: Quy định rõ ràng về phần trăm rủi ro trên tổng tài khoản cho mỗi lệnh (ví dụ, 1-2% cho người mới) và giới hạn thua lỗ tối đa trong một ngày.
      • Tác động đến cảm xúc: Một kế hoạch rõ ràng giúp bạn hành động một cách có hệ thống, dựa trên lý trí và các quy tắc đã định sẵn, thay vì bị chi phối bởi những cảm xúc bộc phát. Nó tạo ra một khuôn khổ an toàn, giúp bạn giữ bình tĩnh khi thị trường biến động.

Quan điểm của Nhao: Kế hoạch giao dịch nó như cái ‘kịch bản’ vậy. Anh em cứ diễn theo đúng kịch bản thì dù kết quả có ra sao, mình cũng biết là mình đã làm đúng quy trình. Còn không có kịch bản, lúc thị trường ‘nhảy múa’, cảm xúc nó sẽ ‘đạo diễn’ mình ngay.

    • Hiểu Rõ Năng Lực Bản Thân & Mức Độ Chấp Nhận Rủi Ro:

      • Bạn cần tự đánh giá: Kinh nghiệm giao dịch của mình đến đâu? Phong cách giao dịch nào (giao dịch lướt sóng, trung hạn, dài hạn) thực sự phù hợp với tính cách và thời gian của mình?
      • Mức độ chấp nhận rủi ro: Bạn có thể chịu đựng được khoản lỗ bao nhiêu mà không ảnh hưởng đến tâm lý và các quyết định tiếp theo? Việc xác định đúng mức này rất quan trọng để tránh căng thẳng không cần thiết.
      • Tác động đến cảm xúc: Khi bạn giao dịch với một phong cách và mức rủi ro phù hợp với bản thân, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, ít bị áp lực, từ đó kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
    • Kiểm Tra Lại Hệ Thống (Backtest) và Giao Dịch Thử Nghiệm (Demo) Kỹ Càng:

      • Backtest: Sử dụng dữ liệu quá khứ để kiểm tra tính hiệu quả của chiến lược giao dịch, xem xét các chỉ số như tỷ lệ thắng, R:R trung bình, mức sụt giảm tài khoản tối đa (max drawdown).
      • Demo Trading: Sau backtest, hãy dành thời gian (ít nhất 1-2 tháng) giao dịch trên tài khoản demo với các điều kiện mô phỏng sát nhất với thực tế. Đây là cơ hội để làm quen với việc áp dụng hệ thống, xử lý các tình huống thị trường và quan trọng nhất là xây dựng niềm tin vào chiến lược của mình.
      • Tác động đến cảm xúc: Khi bạn có đủ bằng chứng cho thấy hệ thống của mình có khả năng sinh lời và bạn đã thực hành nhuần nhuyễn, sự tự tin của bạn sẽ tăng lên. Điều này giúp giảm bớt sự lo lắng, do dự khi vào lệnh thực tế.

2. Kỷ luật trong trading là yếu tố quyết định sự chuyên nghiệp

Có kế hoạch tốt mà không có kỷ luật để thực thi thì cũng vô ích. Kỷ luật là cầu nối giữa kế hoạch và kết quả.

    • LUÔN TUÂN THỦ Kế Hoạch Giao Dịch Đã Đề Ra:
      • Điểm dừng lỗ đã đặt thì không được di chuyển xa hơn (trừ khi dời theo hướng có lợi để bảo vệ lợi nhuận). Mục tiêu chốt lời đã xác định thì nên kiên định.
      • Mọi hành động phải dựa trên quy tắc, không phải cảm hứng.
    • Cân Nhắc “Đặt Lệnh Và Để Thị Trường Quyết Định” (Set and Forget):
      • Đối với nhiều người, đặc biệt là những ai dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá ngắn hạn, việc đặt lệnh (bao gồm SL và TP) rồi hạn chế theo dõi biểu đồ liên tục có thể là một cách hiệu quả để tránh can thiệp cảm tính vào lệnh.
    • Chấp Nhận Thua Lỗ Như Một Phần Tất Yếu Của Giao Dịch:
      • Không một chiến lược nào có thể đảm bảo thắng 100%. Thua lỗ là điều không thể tránh khỏi trong trading.
      • Điều quan trọng là cách bạn quản lý những khoản thua lỗ đó, đảm bảo chúng nằm trong giới hạn cho phép và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng tài khoản.
      • Khi bạn chấp nhận điều này như một thực tế, tâm lý của bạn sẽ trở nên ổn định hơn khi đối mặt với một lệnh thua.
Tuân thủ kỷ luật trong trading là 1 điều cực kỳ cần thiết
Tuân thủ kỷ luật trong trading là 1 điều cực kỳ cần thiết

3. Các kỹ thuật kiểm soát cảm xúc trực tiếp

Đôi khi, dù đã chuẩn bị tốt, cảm xúc vẫn có thể trỗi dậy. Lúc này, bạn cần những kỹ thuật để “hạ nhiệt” tình hình:

    • Kỹ Thuật Hít Thở Sâu:
      • Khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng, tim đập nhanh, hãy dừng lại một chút. Tập trung vào hơi thở: Hít vào từ từ bằng mũi, cảm nhận không khí đi vào căng bụng, giữ lại vài giây, rồi thở ra từ từ bằng miệng. Lặp lại 3-5 lần.
      • Tác dụng: Giúp điều hòa nhịp tim, làm dịu hệ thần kinh, đưa bạn trở lại trạng thái bình tĩnh hơn.
    • Tạm Dừng Giao Dịch – Lùi 1 bước, trời cao biển rộng:
      • Nếu bạn cảm thấy quá áp lực, bực bội, hoặc vừa trải qua một chuỗi thua lỗ, điều tốt nhất nên làm là DỪNG giao dịch.
      • Tắt màn hình giao dịch, đứng dậy, đi lại, uống nước, hoặc làm một việc gì đó hoàn toàn không liên quan đến trading để đầu óc được thư giãn.
      • Đừng cố gắng giao dịch để “gỡ” khi tâm lý đang bất ổn, vì rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm hơn.
    • Điều Chỉnh Khối Lượng Giao Dịch:
      • Khi bạn cảm thấy thị trường khó lường, hoặc tâm lý của mình chưa thực sự sẵn sàng, hãy cân nhắc giảm khối lượng giao dịch xuống mức thấp hơn so với bình thường.
      • Lợi ích: Giảm áp lực tài chính đáng kể, giúp bạn dễ dàng tuân thủ kế hoạch hơn và nếu có xảy ra thua lỗ, tổn thất cũng sẽ nhỏ hơn.

4. Rèn luyện tư duy (Mindset) của 1 nhà giao dịch kiên định

Kiểm soát cảm xúc không chỉ là những hành động tức thời, mà còn là một quá trình rèn luyện tư duy lâu dài.

    • Tập Trung Vào Quá Trình Thực Hiện, Không Phải Kết Quả Của Từng Lệnh Riêng Lẻ:
      • Thay vì quá chú trọng vào việc thắng hay thua một lệnh cụ thể, hãy tập trung vào việc bạn có thực hiện đúng quy trình, đúng kế hoạch đã đề ra hay không (phân tích, vào lệnh, quản lý rủi ro).
      • Nếu bạn duy trì được sự nhất quán trong việc thực hiện đúng quy trình, kết quả tích cực về dài hạn sẽ đến. Đừng để một vài lệnh thua làm bạn mất phương hướng, hay vài lệnh thắng làm bạn trở nên chủ quan.
    • Luôn Giữ Cái Đầu Lạnh và Một Trái Tim “Sắt Đá”:
      • Dù thị trường có biến động “kinh thiên động địa” thế nào, trader chuyên nghiệp vẫn cố gắng giữ sự bình tĩnh để phân tích tình hình một cách khách quan, dựa trên dữ liệu và kế hoạch đã định, chứ không phải hành động theo cảm xúc bộc phát.
      •  Có những lúc cắt lỗ nó đau như cắt vào da thịt vậy, nhưng vẫn phải làm. Có những lúc muốn “tham” thêm chút nữa, nhưng kế hoạch đã đến điểm chốt lời thì vẫn phải chốt. Đó là sự cứng rắn cần thiết.
    • Chịu Trách Nhiệm 100% Với Kết Quả Giao Dịch – Không Đổ Lỗi, Chỉ Rút Kinh Nghiệm:
      • Dù thắng hay thua, họ nhận toàn bộ trách nhiệm về quyết định của mình. Không đổ lỗi cho thị trường “khó”, cho broker “đểu”, cho “thằng hàng xóm phím hàng sai”, hay cho “vận đen”.
      • Khi chịu trách nhiệm, anh em mới có động lực để phân tích lại quá trình ra quyết định của mình, tìm ra lỗi sai (nếu có) và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nếu cứ đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài, anh em sẽ không bao giờ tiến bộ được.
    • Thị Trường Luôn Đúng, Mình Có Thể Sai:
      • Không một ai, dù là “thiên tài” cỡ nào, có thể dự đoán chính xác 100% thị trường sẽ đi về đâu. Thị trường tài chính về bản chất là một mớ hỗn độn có trật tự, nó luôn chứa đựng yếu tố ngẫu nhiên và bất ngờ.
      • Thay vì cố gắng “đoán đúng” mọi lúc, trader chuyên nghiệp chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát thị trường. Họ tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát: chiến lược vào lệnh, điểm dừng lỗ, khối lượng giao dịch, và phản ứng của bản thân.
    • Coi Trading Là một Cuộc Chạy Marathon, Không Phải Chạy Nước Rút:
      • Thị trường tài chính không phải là nơi để “đánh quả” rồi nghỉ. Trader chuyên nghiệp hiểu rằng thành công bền vững đến từ sự kiên trì, tích lũy kinh nghiệm và lợi nhuận qua thời gian dài.
      • Thay vì cố gắng kiếm thật nhiều tiền trong một vài lệnh, họ tập trung vào việc thực hiện đúng hệ thống một cách nhất quán, chấp nhận những khoản lợi nhuận nhỏ nhưng đều đặn. “Tích tiểu thành đại”.
    • Không Ngừng Rèn Luyện và Học Hỏi:
      • Việc kiểm soát cảm xúc, duy trì kỷ luật không phải là bẩm sinh mà có. Nó đòi hỏi sự rèn luyện hàng ngày, qua từng giao dịch, từng tình huống thị trường.
      • Trader chuyên nghiệp luôn có ý thức học hỏi những điều mới, cập nhật kiến thức về thị trường, về các phương pháp phân tích, về tâm lý học hành vi… Họ không bao giờ cho rằng mình đã biết tất cả.

5. Ghi lại nhật ký giao dịch (Trading Journal)

Đây là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ để thấu hiểu và cải thiện tâm lý giao dịch của bạn.

    • Ghi Chép Toàn Diện: Ngoài các thông tin kỹ thuật về lệnh (điểm vào/ra, SL/TP, kết quả), điều quan trọng là bạn phải ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình trước, trong và sau mỗi giao dịch.
      • Ví dụ: “Cảm thấy hơi lo lắng trước khi vào lệnh vì sợ bỏ lỡ cơ hội.” “Khi lệnh đang chạy ngược, tim đập nhanh, có ý định cắt lệnh sớm.” “Sau khi lệnh thắng, cảm thấy rất hưng phấn và muốn vào thêm lệnh ngay.”
    • Công Cụ Tự Phản Chiếu Hiệu Quả:
      • Khi xem lại nhật ký, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những mẫu hình cảm xúc nào thường xuất hiện và ảnh hưởng đến quyết định của mình (ví dụ: xu hướng FOMO, gồng lỗ, hay giao dịch trả thù).
      • Từ đó, bạn có thể chủ động xây dựng các biện pháp để đối phó với những cảm xúc đó khi chúng xuất hiện trong tương lai.

6. Các phương pháp hỗ trợ tích cực khác

    • Thiền Định (Meditation): Dành một ít thời gian mỗi ngày (5-10 phút) để ngồi yên và tập trung vào hơi thở có thể giúp cải thiện khả năng tập trung, giảm căng thẳng và tăng cường khả năng quan sát cảm xúc mà không bị chúng cuốn đi.
    • Hoạt Động Thể Chất Đều Đặn: Vận động (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…) giúp giải tỏa năng lượng tiêu cực, cải thiện tâm trạng và tăng cường sự minh mẫn.
    • Chế Độ Sinh Hoạt Lành Mạnh: Ngủ đủ giấc và ăn uống cân bằng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định về cả thể chất lẫn tinh thần, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho việc kiểm soát cảm xúc.
    • Tìm Sự Hỗ Trợ Từ Cộng Đồng Hoặc Người Hướng Dẫn (Mentor):
      • Chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn với những người cùng chí hướng có thể giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu và có thêm động lực.
      • Nếu có điều kiện, một người hướng dẫn có kinh nghiệm có thể đưa ra những lời khuyên giá trị.
    • Nghiên Cứu Sách và Tài Liệu Về Tâm Lý Giao Dịch: Mở rộng kiến thức và học hỏi từ kinh nghiệm của các chuyên gia và trader thành công.

Đây là những phương pháp mà Nhao tôi tin rằng nếu anh em kiên trì áp dụng, việc kiểm soát cảm xúc trong trading sẽ không còn là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Hãy nhớ, đây là một kỹ năng cần được rèn luyện liên tục. Chúc anh em vững vàng và thành công!

IV. Những bẫy tâm lý “MADE in Việt Nam” và cách né cho khỏi SML

Những bẫy tâm lý Made in Việt Nam trong trading
Những bẫy tâm lý Made in Việt Nam trong trading

Phần sẽ tập trung vào những yếu tố tâm lý mang tính đặc thù, hoặc có biểu hiện mạnh mẽ hơn trong cộng đồng trader Việt.

1. Hội chứng Zalo/Facebook Group

    • Phân tích:
      • Sức hút khó cưỡng của các group “phím hàng”, “kèo thơm”, “room VIP” (dù chả biết VIP thật hay VIP… tự phong).
      • Tâm lý “sợ bị bỏ lại”, sợ “cả làng ăn mình mình nhịn đói” khi thấy anh em trong group khoe lãi ầm ầm.
      • Niềm tin (đôi khi mù quáng) vào các “admin”, “chuyên gia”, “thầy bà” online mà chưa hề kiểm chứng thực lực.
      • FOMO tập thể: Một người hô mua, cả trăm người nhảy vào theo mà không cần phân tích. Panic sell dây chuyền cũng tương tự.
    • Tại sao nó  gặp nhiều ở Việt Nam: Văn hóa cộng đồng mạnh, xu hướng tìm kiếm sự đồng thuận và tin vào “người có kinh nghiệm” (dù kinh nghiệm đó có thật hay không) rất phổ biến. Mạng xã hội là kênh thông tin chủ yếu.
    • Điều cần rút ra:
      • Xây dựng 1 “bộ lọc nhiễu”: Không phải cứ đông người hô là đúng. Học cách đặt câu hỏi phản biện: “Tại sao họ lại hô hào con này?”, “Lợi ích của họ là gì?”.
      • Rèn luyện tư duy độc lập: “Một mình một ngựa vẫn thắng nếu ngựa mình xịn và đường mình thông!” Phải có chính kiến dựa trên phân tích của bản thân.
      • Cảnh giác với hiệu ứng “buồng vang” (echo chamber): Trong group, ý kiến trái chiều dễ bị “dìm hàng”.
      • Thoát khỏi tâm lý “bầy đàn”: Dám khác biệt, dám đứng ngoài cuộc khi thấy có gì đó không ổn, dù đám đông đang “hừng hực khí thế”.

2. “Cái Tôi” của Trader Việt: Thua lỗ là mất mặt và Sĩ diện hão

    • Phân tích:
      • Trong văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, “sĩ diện” và “cái tôi” đôi khi rất lớn. Thua lỗ trong trading không chỉ là mất tiền, mà còn là cảm giác “thua kém bạn bè”, “mất mặt” với gia đình, người thân.
      • Điều này dẫn đến tâm lý “cố đấm ăn xôi”, không chấp nhận mình sai, gồng lỗ đến “cháy tài khoản” chứ nhất quyết không cắt lỗ vì “cắt là thừa nhận mình ngu”.
      • Revenge trading điên cuồng để “gỡ gạc thể diện” chứ không hẳn vì muốn gỡ tiền.
    • Tại sao nó hay gặp ở Việt Nam: Áp lực từ xã hội, từ những người xung quanh về “thành công tài chính” đôi khi rất nặng nề.
    • Lời khuyên cho bạn:
      • Tách biệt giá trị bản thân khỏi kết quả của một vài lệnh trade: Anh em là ai, giá trị của anh em không nằm ở việc lệnh đó thắng hay thua.
      • Học cách mặt dày để sống dai trong thị trường: Thua lỗ là chuyện bình thường trong trading. Các huyền thoại trading cũng thua lỗ đầy ra. Quan trọng là tổng thể anh em có lãi.
      • Coi thua lỗ là “học phí” bắt buộc phải đóng: Không có học phí thì sao mà “khôn” ra được? Chấp nhận nó, phân tích nó, và đi tiếp.
      • Chia sẻ (một cách chọn lọc) về những thất bại: Điều này không làm anh em “mất mặt” đâu, mà ngược lại, nó cho thấy sự trưởng thành và giúp người khác tránh được sai lầm tương tự.

3. Tâm lý giao dịch mua lễ tết và những áp lực “Vô hình”

    • Phân tích:
      • Gần đến các dịp lễ lớn (đặc biệt là Tết Nguyên Đán), nhiều anh em trader Việt có tâm lý muốn “kiếm một mẻ” để có tiền tiêu Tết, mua sắm cho gia đình.
      • Điều này tạo ra áp lực phải thắng, phải có lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến việc giao dịch vội vàng, chấp nhận rủi ro cao hơn, hoặc cố gắng “ép” thị trường theo ý mình.
      • Ngược lại, cũng có những người lại quá “xõa”, bỏ bê việc theo dõi thị trường, quản lý lệnh trong những ngày nghỉ, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội hoặc không xử lý kịp rủi ro.
    • Tại sao nó tòn tại ở Việt Nam: Tết là một sự kiện văn hóa cực kỳ quan trọng, gắn liền với nhiều kỳ vọng và áp lực tài chính.
    • Lời khuyên từ Nhao:
      • Lập kế hoạch giao dịch (hoặc KHÔNG giao dịch) cho mùa lễ Tết: Nếu cảm thấy áp lực, tốt nhất là đứng ngoài, nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình. “Còn người là còn của”, qua Tết mình làm lại.
      • Không đặt mục tiêu lợi nhuận theo “mốc thời gian” của lễ Tết: Thị trường nó chạy theo quy luật riêng, không phải theo lịch nghỉ của anh em.
      • Nếu vẫn giao dịch: Giảm khối lượng, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn nữa. Coi như “đánh du kích”, ăn được miếng nào hay miếng đó, không tham.

4. “Nghiện Trading” và cái giá phải trả

    • Phân tích:
      • Trading, đặc biệt là với những thị trường biến động nhanh như crypto hay forex có đòn bẩy cao, có thể gây nghiện thực sự. Cái cảm giác hồi hộp khi vào lệnh, sự hưng phấn tột độ khi thắng lớn (dopamine rush), hoặc nỗi cay cú muốn gỡ khi thua… nó kích thích não bộ không khác gì cờ bạc.
      • Dấu hiệu: Check chart liên tục 24/7, bỏ bê công việc chính, gia đình, bạn bè, sức khỏe. Không dứt ra được dù biết mình đang thua lỗ. Cảm thấy bồn chồn, khó chịu khi không được đặt lệnh.
      • Nhiều người không nhận ra mình “nghiện”, chỉ nghĩ là “đam mê” hoặc “đang cố gắng”.
    • Tại sao nó rất nghiêm trọng: Vấn đề nghiện trading ít được thảo luận một cách nghiêm túc như một dạng nghiện hành vi. Hậu quả của nó thì khủng khiếp: tan nát tài chính, đổ vỡ mối quan hệ, sức khỏe suy kiệt.
    • Lời khuyên của Nhao cho anh em (mang tính cảnh tỉnh):
      • Tự kiểm tra bản thân một cách trung thực: Mình có đang dành quá nhiều thời gian và tâm trí cho trading một cách bất hợp lý không?
      • Đặt ra giới hạn CỨNG: Thời gian giao dịch mỗi ngày, số tiền thua lỗ tối đa chấp nhận được (và tuân thủ nó!).
      • Tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống: Phải có những sở thích, mối quan tâm khác ngoài trading. Thể thao, đọc sách, dành thời gian cho người thân.
      • Đừng ngại tìm sự giúp đỡ: Nếu cảm thấy mình không kiểm soát được, hãy chia sẻ với người tin cậy, hoặc thậm chí tìm đến chuyên gia tâm lý (dù ở Việt Nam cái này còn hơi mới mẻ).
      • Nhắc nhở bản thân: “Trading là một nghề, một kênh đầu tư, không phải là ‘thuốc lắc’ cho cảm xúc hay một canh bạc để ‘đốt’ đời mình!”

Kết luận

Nếu có ai đó hỏi Nhao, yếu tố nào là quan trọng nhất để thành công bền vững trong trading, thì không ngần ngại, tôi sẽ trả lời ngay đó chính là TÂM LÝ GIAO DỊCH VÀ KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC. Anh em có thể có một hệ thống phân tích kỹ thuật siêu đỉnh, có thể nắm bắt tin tức nhanh nhạy, nhưng nếu không kiểm soát được những cảm xúc như sợ hãi, tham lam, cay cú… thì sớm muộn gì cũng trả lại hết cho thị trường, thậm chí còn âm cả vào vốn.

Đừng coi cảm xúc là kẻ thù không đội trời chung, mà hãy học cách “chung sống hòa bình” với nó, hiểu nó, và quan trọng nhất là không để nó dắt mũi. Mỗi lần anh em chiến thắng được một cảm xúc tiêu cực, tuân thủ được kỷ luật đã đặt ra, đó đã là một bước tiến lớn trên hành trình này rồi.

Hãy nhớ, trading là một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút. Hãy cho bản thân thời gian, hãy kiên nhẫn với quá trình học hỏi và rèn luyện. Và đừng quên, NhaoTrading vẫn luôn ở đây, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng anh em.

Chúc anh em luôn giữ được sự bình tĩnh, đưa ra những quyết định sáng suốt, và ngày càng thành công trên con đường trading.

Chia sẻ và kết nối:

  • Hãy để lại bình luận chia sẻ kinh nghiệm hoặc câu hỏi của anh em nhé.
  • Ghé thăm https://nhaotrading.com/ để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác từ Nhao.

Hẹn gặp lại anh em vào các bài viết lần sau!

Bạn thấy bài viết của NhaoTrading hữu ích không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 4.9 / 5. Lượt Vote: 9

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.


Tác giả bài viết!

Ảnh đại diện NhaoTrading